Thực tế cho thấy, hàng ngoại nhập hoặc các thương hiệu nước ngoài đang còn chiếm tỷ trọng lớn trong nhiều ngành hàng quan trọng. Ở môt số ngành, các doanh nghiệp Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Sau khi gia nhập WTO và hàng loạt các hiệp định song phương và đa phương, thị trường Việt Nam đã và đang xuất hiện hàng hóa đến từ khắp nơi trên thế giới.
Theo đó, người tiêu dùng Việt Nam có thể mua và tiêu dùng hàng hóa với vô số thương hiệu đến từ mọi quốc gia. Tuy nhiên, song song với đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp nước ngoài; hàng sản xuất trong nước phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu ngay trên sân nhà.
Thua ngay trên sân nhà
Tài liệu công bố tại một hội thảo khoa học của trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) tổ chức tuần qua cũng chỉ ra rằng, mặc dù, trên thị trường một số mặt hàng, hàng nội địa đã chiếm lĩnh và chi phối thị trường. Nhưng thực tế cho thấy, hàng ngoại nhập hoặc các thương hiệu nước ngoài đang còn chiếm tỷ trọng lớn trong nhiều ngành hàng quan trọng. Ở môt số ngành, các doanh nghiệp Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà. Dường như, người dân Việt Nam vẫn còn tâm lý chuộng hàng ngoại nhập cho dù được bán với giá cao hơn nhiều so với hàng nội cùng chủng loại và chất lượng.
PGS.TS Trương Đình Chiến - Trưởng khoa Marketing của NEU nhìn nhận: “Hàng ngoại hiện luôn tràn ngập trên thị trường và bao gồm rất nhiều loại hàng từ chất lượng cao, chất lượng trung bình đến chất lượng thấp. Tâm lý chuộng hàng ngoại vẫn còn sâu nặng trong một bộ phận lớn người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao và khá cao. Có thể thấy vẫn tồn tại tâm lý sính ngoại rất rõ ràng trong một bộ phận người dân, đặc biệt ở nhóm 20% dân số có thu nhập cao và khá cao - chiếm tới 80% lượng chi tiêu”.
Theo ông Chiến, với người Việt Nam việc sẵn sàng mua hàng nội, hay hàng ngoại được biểu hiện rất khác nhau. Về các mặt hàng như bánh kẹo, vải, hàng nhựa sản xuất trong nước luôn được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hơn các hàng ngoại và chiếm ưu thế hơn trên thị trường. Một số các mặt hàng như sữa bột thì chủ yếu lựa chọn nhập từ một số nước như Hoa Kỳ, New Zealand được người tiêu dùng đánh giá cao hơn về chất lượng và giá cả. Các sản phẩm từ Trung Quốc đối với người Việt Nam được đánh giá là sản phẩm có giá trị thấp, không được đảm bảo về chất lượng. Nhưng vì mức giá rẻ và mẫu mã luôn thay đổi, ưa nhìn nên đã được khá nhiều người tiêu dùng chấp nhận.
Tuy vậy, ông Chiến cũng cho rằng, cũng có những xu hướng thay đổi theo hướng tích cực cho hàng nội trên thị trường. Theo số liệu thống kê mới nhất, nhiều nhóm hàng hoá sản xuất trong nước đã được người Việt Nam ưa chuộng hơn so với trước đây bao gồm: sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép; thực phẩm, rau quả; đồ chơi, dụng cụ học tập cho trẻ em; văn phòng phẩm; thuốc men, dược phẩm… Ngay cả những mặt hàng công nghiệp, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nhưng tỷ lệ hàng nội cũng đạt được mức thị phần khá như: hoá chất 73%; xăng dầu 37%; thép 41%; sợi 60%; giấy 59%…
Ruột nội 1 đồng, vỏ ngoại 5-7 đồng
Lý giải cho nguyên nhân hàng Việt Nam không cạnh tranh được với hàng ngoại nhập vẫn là lý do muôn thuở “thiếu sức cạnh tranh” và chưa tạo dựng được niềm tin vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt.
Theo TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng bộ môn Marketing Trường Đại học Ngoại thương: “Có vẻ như doanh nghiệp nước ngoài đang có tầm nhìn và sự chuẩn bị tốt hơn so với doanh nghiệp Việt Nam. Một trong số những lý do khiến người Việt sính hàng ngoại là do yếu tố niềm tin vào chất lượng sản phẩm, người ta tin rằng hàng ngoại chất lượng sẽ tốt hơn”.
Còn dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hà Ngọc Sơn - Tổng Giám đốc Vietfood cũng ngậm ngùi thừa nhận: “Chúng ta đang đánh mất lợi thế trên chính sân nhà. Tôi lấy ví dụ đơn giản: một chai rượu vodka có giá bán 80 nghìn đồng thì trong đó, phần rượu chỉ khoảng trên 10 nghìn đồng nhưng chi phí cho vỏ chai và nút chai mua của Trung Quốc lên đến 50-60 nghìn đồng. Hay như bánh kẹo gần như không cạnh tranh được bởi nguyên liệu nhập khẩu hoàn toàn và doanh nghiệp tốn quá nhiều cho chi phí quảng cáo”.
Ông Sơn cũng “cay đắng” khi cho rằng tâm lý “sính ngoại” cũng là một nguyên nhân khiến cho hàng Việt không có đất sống.
Ông Sơn đưa ra một loạt ví dụ: “Bánh kẹo trong nước như của Kinh Đô, Hải Hà bán với giá 50-100 nghìn đồng/kg vẫn không cạnh tranh nổi với bánh kẹo Thái Lan, Indonesia 120 - 150 nghìn đồng/kg, hay thậm chí là Nhật Bản tới 500-700 nghìn đồng/kg. Dầu ăn ở nước ngoài chất lượng cao như dầu hướng dương cũng chỉ 20 nghìn đồng/lít nhưng người tiêu dùng Việt Nam đang ăn dầu ăn với mức giá 45 nghìn đồng và nếu có chào bán giá 39 nghìn đồng sẽ không ai mua bởi lo ngại là hàng giả. Hay như váng sữa, người tiêu dùng Đức hầu như không để ý thì khi về Việt Nam, doanh thu năm vừa rồi cũng lên tới 1.000 tỷ đồng - một con số đáng mơ ước với doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia thị trường bánh kẹo”.
"Đổi chuẩn”: Samsung cũng sẽ là... hàng Việt
Tại một hội thảo diễn ra mới đây, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho hay, theo cách tiếp cận mới của Bộ, hàng Việt Nam là hàng hoá do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp hợp pháp tại Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp FDI. Với cách tiếp cận này, Bộ Công Thương kỳ vọng trong thời gian tới hàng Việt sẽ có sức mạnh cạnh tranh lớn trên thị trường.
Một đại diện khác của Bộ Công Thương là ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh khẳng định, các hàng hoá do các doanh nghiệp thuần Việt cũng như các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam như Samsung đều được coi là hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp này khi có vướng mắc về pháp lý trên thương trường sẽ được Bộ Công Thương và Cục Quản lý cạnh tranh có trách nhiệm hỗ trợ tạo, điều kiện thuận lợi cho hoạt động.
Đồng quan điểm này, PGS Đặng Đình Chiến cũng cho rằng, yêu cầu xác định hàng Việt phải có phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đạt tỷ lệ nhất định do cơ quan thẩm quyền quy định là quá khó để thực hiện trong thực tế và càng khó cho người tiêu dùng khi phải phân biệt. Theo đó, ông Chiến cho rằng, các mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam, hoặc gắn thương hiệu Việt Nam hoặc gắn thương hiệu nước ngoài được sản xuất trong nước đều cần được coi là hàng nội vì các doanh nghiệp sản xuất vẫn sử dụng lao động Việt Nam, nghĩa là tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước
No comments:
Post a Comment