Sau 5 ngày cấp cứu, phẫu thuật cho ca bệnh đặc biệt, 19 cán bộ y tế BV Phụ sản Trung ương mỗi người một tâm trạng. Các bác sĩ nam thì vững lòng hơn, các bác sĩ nữ, đặc biệt những điều dưỡng đang mang bầu vẫn đầy băn khoăn, lo lắng. Thậm chí có nữ điều dưỡng vẫn giấu người nhà không cho biết thông tin vì sợ gia đình lo lắng cho mình.
Gặp tình huống này bác sĩ nào cũng lao vào cấp cứu người bệnh!
Chiều 9/7, chia sẻ sau buổi lễ tuyên dương của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội với kíp trực 19 người của BV Phụ sản Hà Nội trong ca cấp cứu cho bệnh nhân và bị phơi nhiễm HIV, BS Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Đẻ A2 cho biết, trước một bệnh nhân máu đang phun xối xả từ âm đạo, người bệnh gần như ngừng tuần hoàn nếu không cấp cứu ngay, chậm chỉ 1 - 2 phút người bệnh có thể sẽ không qua khỏi.
“Các bác sĩ trong ca trực cứu người bệnh như một bản năng. Thấy một ca bệnh nặng, trong tích tắc không kịp suy nghĩ bất cứ điều gì, tất cả các nhân viên y tế ca trực mỗi người một việc hồi sức, cấp cứu, phẫu thuật cho bệnh nhân”, BS Khải nói.
Phòng cấp cứu - nơi bệnh nhân N.T.H được cấp cứu, phẫu thuật. Ảnh: H.Hải
Cũng theo BS Khải, trong ngành y gần như ai cũng từng một lần trong đời đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp. “Nhưng với tình huống này, tôi chắc chắn rằng các bác sĩ, nhân viên y tế thấy đều lao ngay vào cấp cứu người bệnh mà không suy nghĩ thiệt hơn về những nguy cơ gặp phải. Gặp tình huống này, không cần biết người bệnh có HIV hay không, chắc chắn thầy thuốc nào cũng làm mọi cách để cấp cứu người bệnh”, BS Khải nói.
Tuy nhiên, TS Khải cũng thành thật chia sẻ, khi đang thực hiện phẫu thuật được khoảng 10 phút thì có thông báo bệnh nhân dương tính HIV, bản thân ông cũng sững lại một vài giây nhưng ca mổ đang tiến hành, bệnh nhân vẫn vừa truyền máu vào vừa bị chảy máu ồ ạt ra, nếu không tiếp tục người bệnh sẽ chết. Cuối cùng sau 4 lít máu truyền, mọi người trong kíp mổ dù biết bệnh nhân nhiễm HIV nhưng ai vào việc ấy, hoàn thành trọn vẹn một ca mổ.
Cũng là người trực tiếp tham gia cấp cứu ngay từ đầu cho ca bệnh, BS Nguyễn Nhật Hoan (Khoa Hồi sức cấp cứu) cho biết khi mà cả vài chục con người cùng tập trung cấp cứu bệnh nhân, không ai nghĩ đến nguy cơ gì. Có những nữ điều dưỡng tiếp xúc đầu tiên với người bệnh tay không găng nhưng thấm máu của bệnh nhân.
Bản thân BS Ngoan cũng trực tiếp hồi sức, hỗ trợ thông khí, hô hấp cho bệnh nhân, cùng điều dưỡng lấy ven cho người bệnh (khi lấy ven, máu tứa ra rất nhiều) và anh cũng hoàn toàn không nghĩ đến nguy cơ bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, chỉ toàn tâm toàn ý cấp cứu cho người bệnh.
Cũng như BS Khải, khi được thông báo ca bệnh nhiễm HIV, BS Ngoan cùng kíp trực đều sững sờ, bàng hoàng, lo sợ trong chốc lát rồi lại vượt qua ngay để tiếp tục cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân.
“Lo lắng nhất là những chị em điều dưỡng tiếp xúc ban đầu với bệnh nhân do họ tiếp xúc nhiều với người bệnh. Bác sĩ phẫu thuật chúng tôi dù sao cũng có găng tay khi phẫu thuật cho người bệnh. Vì thế, ngay khi ca mổ kết thúc, chúng tôi lập tức an ủi động viên anh em bớt lo lắng. Ban giám đốc cũng đã làm việc và lấy thuốc, lập hồ sơ theo dõi nên chúng tôi cũng đỡ lo lắng hơn. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm, đòi hỏi bác sĩ chúng tôi trong tình huống cấp cứu sau này, vừa phải đảm bảo cấp cứu nhanh nhất vừa phải trang bị nhanh nhất phòng hộ cho bản thân để phòng nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế”, BS Khải nói.
BS Khải cũng chia sẻ thêm, các phương tiện phòng hộ sẵn có, quy tắc phòng hộ ai cũng thuộc làu nhưng trước ca bệnh cứu người như cứu hỏa này, quả thực các bác sĩ đã không kịp suy nghĩ một giây về bất cứ nguy cơ nào, cả kíp trực đã cùng cấp cứu người bệnh.
Tuy đã được uống thuốc dự phòng, biết nguy cơ lây nhiễm thấp, thậm chí gần như không có nhưng BS Hoan cho biết, anh sẽ vẫn rất cẩn trọng trong quá trình thăm khám các bệnh nhân khác. Về nhà, anh cũng có những biện pháp phòng ngừa nguy cơ với gia đình. “Cậu con trai 8 tuổi, con gái 3 tuổi luôn quấn quýt bố, nhưng may mắn nguy cơ lây thấp, hơn nữa HIV cũng không lây qua tiếp xúc nên tôi vẫn chơi đùa với vợ con, chỉ phòng nguy cơ trong tiếp xúc, sinh hoạt bị đứt tay, chảy máu... Nguyên tắc này sẽ được áp đến khi tôi có kết quả xét nghiệm lần 3 (sau khoảng 6 tháng), âm tính với HIV mọi thứ mới lại được “thả lỏng” trở về sinh hoạt hàng ngày”, BS Hoan chia sẻ.
Thuốc dự phòng HIV không ảnh hưởng đến thai phụ
Chiều 9/7, khi tiếp xúc với 2 nữ điều dưỡng tại phòng cấp cứu, những người trực tiếp tham gia cấp cứu ban đầu cho người bệnh, các nữ điều dưỡng này không khỏi lo lắng. Dù vẫn duy trì công việc bình thường, nhưng khi nhắc đến sự việc họ rất lo lắng, bày tỏ mất ăn mất ngủ, thậm chí không dám nói với gia đình vì trong đó có người đang mang thai. Thậm chí, đã nhận lời phỏng vấn, lên hình (quay giấu mặt) nhưng vào phút chót, hai nữ điều dưỡng này lại từ chối, lấy cớ ra ngoài rồi đi thẳng vì xúc động và lo lắng.
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV - AIDS cho biết, thuốc dự phòng HIV không gây hại cho thai phụ và em bé. Tuy nhiên nó làm tăng dấu hiệu nghén, gây nguy cơ thiếu sắt ở những thai phụ thiếu sắt... Tuy nhiên về cơ bản, thuốc dự phòng này không gây bất cứ ảnh hưởng gì cho cả thai phụ và em bé.
Trước đó, hôm 4/7 bệnh nhân N.T.H được đưa vào phòng cấp cứu (BV Phụ Sản Hà Nội) trong tình trạng gần như ngừng tuần hoàn. Sau khi được cấp cứu có dấu hiệu sống trở lại, máu từ âm đạo bệnh nhân lại tiếp tục phun thành dòng, bệnh nhân không có khả năng di chuyển lên phòng mổ nên các bác sĩ đã phải tiến hành phẫu thuật ngay tại phòng cấp cứu.
Bệnh nhân N.T.H khi qua cơn nguy kịch cũng chia sẻ, bản thân chị khi nhìn thấy nỗi lo lắng của các điều dưỡng, bác sĩ vì phơi nhiễm HIV, đặc biệt với điều dưỡng đang mang thai chị cũng thấy vô cùng ân hận và có lỗi vì đã chủ quan đến viện muộn. Vì đến viện muộn mất máu nhiều nên chị gần như ngất, suy tuần hoàn không còn biết gì để nói với bác sĩ mình là người có HIV, cậu con trai đi cùng thì quá nhỏ để biết nên thông báo cho bác sĩ căn bệnh của mẹ.
Đại diện BV Phụ sản Trung ương lên nhận bằng khen của Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: H.Hải
BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết có 30 nhân viên y tế trực tiếp tham gia ca cấp cứu cho nữ bệnh nhân HIV hôm 4/7, trong đó 19 người gồm 18 y bác sĩ bệnh viện và một học viên, phơi nhiễm với căn này do ban đầu không biết bệnh nhân có HIV. Và dù thông tin bệnh nhân nhiễm HIV biết ngay trong cuộc mổ, các nhân viên y tế vẫn bình tâm hoàn thành ca phẫu thuật.
Trước sự hết mình của kíp trực hôm 4/7, ngày 9/7, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội có quyết định khen thưởng đột xuất với 18 nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và một học viên.
Tại buổi lễ, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh chia sẻ: "Bộ đã ban hành rất nhiều quy chế để tránh lây nhiễm chéo HIV trong các cơ sở y tế. Trong trường hợp này, các thầy thuốc phải giành giật từng giây, từng phút để cứu chữa người bệnh. Những tình huống như vậy không nhiều và họ đáng được biểu dương vì hết lòng với người bệnh.
Theo các chuyên gia, khả năng 19 nhân viên y tế bị lây nhiễm HIV là rất thấp, gần như không có bởi bệnh nhân là người đang được điều trị thuốc ARV nên tải lượng vi rút thấp, các cán bộ y tế đã được uống thuốc dự phòng kịp thời, xét nghiệm HIV đều âm tính.
No comments:
Post a Comment