Với các mức giá 1,8 triệu, 1,5 triệu, 1 triệu và 600.000 đồng, vé xem trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và Man City dĩ nhiên không thấp so với thu nhập trung bình của người dân. Dù vậy, thật khó để nói chính xác rằng mức giá này là thấp hay rẻ?
Theo bầu Hiển thông tin, chi phí tổ chức trận đấu là vào khoảng 1 triệu bảng Anh, tương đương với khoảng 36 – 37 tỷ đồng Việt Nam. Đấy là con số không hề nhỏ, mà nếu có bán hết 40.000 vé trên sân Mỹ Đình, với mức giá đã nêu ở trên (sau khi trừ đi một lượng không nhỏ vé mời), ông Hiển cũng chưa thu hồi nổi vốn.
Thành ra, cũng khó cho những nhà tổ chức trận đấu trong việc đặt ra giá vé ở mức khác, vì cơ bản Man City là thương hiệu toàn cầu, một thương hiệu mạnh trong làng bóng đỉnh cao thế giới, mà để được xem một thương hiệu như vậy, thì dù muốn dù không, người ta dĩ nhiên phải bỏ ra số tiền tương xứng.
Nhưng nếu xét theo mặt bằng thu nhập trung bình của người dân Việt Nam, mức giá trên lại khá đắt. 1,8 triệu đồng, tức là khoảng nửa tháng lương của một người lao động bình thường ở các đô thị. Mất nửa tháng lương để xem một trận bóng đá (cộng thêm điều kiện phải may mắn mua được vé với giá gốc), đấy là chuyện chẳng đơn giản chút nào.
Vé xem Man City thi đấu trên sân Mỹ Đình có mức cao nhất là 1,8 triệu đồng/vé
Thành ra, câu trả lời ở đây là nếu người hâm mộ thấy giá vé mà BTC trận đấu đưa ra là hợp lý, họ có quyền mua vé để vào sân. Còn nếu cảm thấy không hợp lý, lời khuyên là đừng mua, thay vào đó họ có thể chọn cách ở nhà, xem trận đấu qua truyền hình. Bởi, như đã nói ở trên, nếu nhìn vấn đề theo nhiều góc độ khác nhau, không dễ để kết luận vé xem trận cầu trên là rẻ hay mắc, nên lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về khán giả.
Mà đây cũng là bài toán đối với bầu Hiển. Ông Hiển khi tổ chức trận đấu, cùng với BTC đặt ra mức giá vé cao so với thu nhập của người dân đầu tiên là muốn thông qua tiền bán vé, thu lại một phần con số 36 – 37 tỷ đồng để bỏ ra.
Nhưng mặt khác, cũng chính ông Hiển sẽ muốn khán giả vào sân đông, vì người ta vào sân đông chứng tỏ người ta có quan tâm, mà khán giả có quan tâm thì khâu quảng bá sản phẩm của bầu Hiển – mục đích chính của thương vụ này, mới hiệu quả.
Đấy là cái lợi vô hình không thể đong đếm bằng những con tính thông thường được. Thành ra, nếu vì giá vé cao mà khán giả không thể vào kín sân, vì giá vé cao mà người xung quanh bớt quan tâm đến trận đấu, lúc đấy, cái mục đích to nhất của những người tổ chức trận đấu chắc chắn sẽ hỏng theo.
Nói cho cùng, đấy là một bài toán kinh tế mà có lẽ những doanh nhân cỡ bự như bầu Hiển rành hơn người khác. Ông Hiển và những nhà tổ chức trận đấu đang đánh cược tình yêu của người hâm mộ với những mức giá vé vừa được công bố.
Thành công hay thất bại với thương vụ này có lẽ cần phải chờ thời gian trả lời, chờ khán giả có vào kín sân Mỹ Đình tối 27/7 tới đây hay không? Chờ người hâm mộ cả nước có sôi lên vì trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với Man City hay không?
Còn chuyện giá vé mắc hay rẻ, nói cho cùng vẫn là bài toán cung – cầu. Hãy chờ xem thị trường cho cầu trả lời về bài toán ấy!
No comments:
Post a Comment