Rất ít người biết rằng cách đây hơn 120 năm, một số tạp chí đã đưa tin Vương cung thánh đường Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn (người dân quen gọi là nhà thờ Đức Bà) – một biểu tượng của Sài Gòn - trong quá trình xây dựng thì phần móng đã chạm phải mạch nước ngầm khiến một phần nhà thờ này bị nghiêng nhẹ.
Toàn cảnh nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - Ảnh: Diệp Đức Minh
Thông tin trên nằm trong bài viết “Sài Gòn kỳ lạ - đường phố và đại lộ” của tác giả Pierre Barrelon, đăng trên Tạp chí Địa lý mạo hiểm Le tour du Monde xuất bản từ tháng 7 đến 12.1893. Pierre Barrelon cũng là tác giả của khá nhiều bài viết về Sài Gòn thời kỳ này.
Trong bài viết của mình, Pierre Barrelon cho biết tại thời điểm xây dựng nhà thờ Đức Bà vào tháng 10.1877, Sài Gòn lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt khiến chính quyền lúc đó phải tìm nguồn nước cung cấp cho người dân. Thật tình cờ trong khi làm việc, công nhân tìm thấy một tầng nước nằm sâu dưới lòng đất gần khu vực nhà thờ. Cuối năm 1877, chính quyền xây dựng tháp nước đầu tiên ở địa điểm Hồ Con Rùa hiện nay. Nước được bơm về tháp nước này sau đó sẽ phân phối cho người dân thông qua mạng lưới đường ống ngầm.
Pierre Barrelon viết: "Đó là tầng chứa nước ngầm tuyệt vời mà bấy giờ nhiều thành phố ở Pháp cũng phải ghen tị. Dòng chảy của mạch nước ngầm này là vô tận cả trong mùa khô và mùa đông. Nước lúc nào cũng có ở đài phun nước công cộng và đường ống không bao giờ khô cạn".
Nhà thờ Đức Bà khi khánh thành vào năm 1880. Khi này trên hai tháp chuông của nhà thờ chưa có hai tháp hình bát giác như bây giờ - Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, như Pierre Barrelon tiếp tục giải thích, sự phát hiện của tầng chứa nước ngầm này lại không được chào đón bởi đội ngũ đang xây dựng nhà thờ. Tầng nước ngầm này vô tình đã gây ra muôn vàn khó khăn cho việc thi công nhà thờ Đức Bà - một công trình xây dựng hạng nặng - khiến bên thi công phải đưa ra nhiều giải pháp khắc phục. Tuy vậy cuối cùng nhà thờ cũng được hoàn tất và được khánh thành ngày 11.4.1880 với sự có mặt của Thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Le Myre de Vilers.
Tháp nước được xây dựng cùng thời với nhà thờ Đức Bà. Vị trị của tháp nước hiện là Hồ Con Rùa - Ảnh tư liệu
Trong những năm tiếp theo, công trình tuyệt đẹp bằng gạch và đá này trở nên thân thiết với người Sài Gòn. Cho đến một ngày, một số cư dân phát hiện nhà thờ bắt đầu nghiêng qua một bên. Như lời giải thích Pierre Barrelon, một trong những phần của nhà thờ bắt đầu chìm nhẹ xuống khiến hai tòa tháp nằm phía trước nhà thờ có chiều cao không đồng đều.
Việc xử lý sự cố nghiêng lún của nhà thờ được thực hiện gấp rút nhưng độ nghiêng của nhà thờ vẫn còn. Cuối cùng, một giải pháp được đưa ra là bổ sung hai ngọn tháp sắt với chi phí 66.500 franc trên hai tháp chuông phía trước nhà thờ.
Trong bài viết Ngọn tháp kim loại của Nhà thờ Sài Gòn của tác giả Albert Butin xuất bản tháng 5.1896 trên Tạp chí Le Génie civil mô tả chi tiết việc xây dựng hai ngọn tháp được giao cho Michelin. Công việc này được tiến hành vào ngày 26.12.1894. Hai ngọn tháp được gắn thêm vào cao 27 m, có hình bát giác (8 cạnh), trên đỉnh tháp có gắn cây thánh giá. Có bốn cửa sổ nằm xung quanh tháp để tạo sự thông thoáng cho phía trên tòa nhà.
Cũng theo tác giả Albert Butin, trong quá trình thi công ngọn tháp, một quyết định được đưa ra là tăng thêm một chút chiều cao của ngọn tháp phía tây (nằm bên phía công viên 30.4), làm cho nó cao hơn ngọn tháp phí đông (nằm bên phía tòa nhà Bưu điện Sài Gòn) nhằm khôi phục lại sự cân xứng của toàn bộ tòa nhà khi nhìn trực diện từ phía trước. Hai ngọn tháp đã được hoàn tất vào ngày 28.2.1895.
Hai tháp hình bát giác được xây dựng vào năm 1895 - Ảnh tư liệu
Hai tháp chuông hiện tại - Ảnh: Trung Hiếu
Tháp trên cùng có bốn cửa sổ để làm thông thoáng phần phía trên của nhà thờ - Ảnh: Trung Hiếu
Phần tháp chuông của nhà thờ Đức Bà - Ảnh: Trung Hiếu
Một số tạp chí viết về nhà thờ Đức Bà bị nghiêng khẳng định nếu đứng ở đầu đường Đồng Khởi nhìn chính diện, vuông góc với nhà thờ sẽ thấy sự khác biệt về chiều cao của hai tháp chuông khi chưa gắp thêm tháp hình bát giác. Theo đó, tháp chuông bên trái sẽ thấp hơn tháp chuông bên trái - Ảnh: Trung Hiếu
Dù việc khắc phục độ nghiêng của Nhà thờ Đức Bà đã hoàn tất nhưng nếu đứng ở đầu đường Catinat (thời Pháp) sau đổi thành đường Tự Do (trước năm 1975) và nay là đường Đồng Khởi, nhìn trực diện nhà thờ vẫn thấy rõ ràng sự khác biệt về chiều cao giữa hai tháp.
Không thấy lược sử nhà thờ Đức Bà đề cập bị nghiêng
PV Thanh Niên Online đã gặp linh mục (LM) Hồ Văn Xuân - Tổng đại diện Tổng giáo phận TP.HCM kiêm Trưởng ban trùng tu nhà thờ Đức Bà - để làm rõ câu chuyện khá thú vị trên liên quan đến nhà thờ Đức Bà mà một số tạp chí xưa đăng tải.
LM Hồ Văn Xuân cho biết dù tiếp cận rất nhiều tư liệu của Tổng giáo phận TP.HCM nhưng bản thân ông chưa bao giờ đọc được thông tin nhà thờ Đức Bà bị nghiêng.
LM Xuân cho hay việc chọn địa điểm xây dựng nhà thờ Đức Bà đã được xem xét rất kỹ lưỡng. Dù thời điểm xây dựng, khu vực gần nhà thờ chủ yếu là sông ngòi, kênh rạch nhưng nơi được chọn xây dựng nhà thờ là một gò đất cao ráo, không ngập nước.
Theo LM Xuân, tài liệu chính thống và chính xác nhất về lịch sử nhà thờ phải là nguồn tài liệu của Hội Thừa sai Paris. Do có công rất lớn trong việc hình thành và xây dựng dựng giáo hội công giáo Việt Nam nên Hội Thừa sai Paris còn lưu giữ nhiều tư liệu quan trọng liên quan đến công giáo Việt Nam.
Hội Thừa sai Paris có phương pháp làm việc rất khoa học và chặt chẽ. Đó là hàng năm các giáo phận công giáo các nước – nơi có sự ảnh hưởng của Hội Thừa sai Paris - đều phải viết báo cáo về những biến cố lớn xảy ra trong năm gửi về cho hội này nắm và làm tư liệu cho công giáo. Chính những báo cáo này về sau được các giáo phận, LM sử dụng làm tài liệu quan trọng của công giáo và đây được coi là nguồn tài liệu chính thống.
“Nguồn tài liệu này được các cha ở Hội Thừa sai Paris thu thập rất khoa học và cất giữ rất chặt chẽ. Nếu người không liên quan thì không dễ tiếp cận được”, LM Xuân nói.
Bản thân linh mục Hồ Văn Xuân cũng nhiều lần tiếp cận, đọc lại lược sử công giáo Việt Nam gửi cho Hội Thừa sai Paris nhưng không thấy nói về việc nhà thờ Đức Bà bị nghiêng. Linh mục Xuân cũng nhiều lần đọc bản lược sử chi tiết về nhà thờ Đức Bà do Hội Thừa sai Paris cung cấp cho ông và bản lược sử này không nói về việc nhà thờ bị nghiêng.
Lí giải vì sao nhà thờ lại xây dựng thêm hai tháp nằm trên hai tháp chuông, linh mục Hồ Văn Xuân cho biết thiết kế của nhà thờ Đức Bà theo giống với nhà thờ Đức Bà Paris với lối thiết kế Roman. Năm 1895, tức là 15 năm sau kể từ thời điểm xây dựng, nhà thờ Đức Bà được lắp thêm hai khối tháp trên hai tháp chuông với kiểu kiến trúc Gothic.
“Việc lắp thêm hai tháp trên hai tháp chuông để cho nhà thờ vừa có kiến trúc Roman vừa có kiến trúc Gothic. Hai khối tháp ở hai bên tháp chuông vươn lên cao chỉ mang ý nghĩa về mặt tôn giáo chứ không phải là khắc chế sự mất cân xứng của hai tháp chuông như một số thông tin đã nêu”, linh mục Xuân khẳng định.
Trung Hiếu – Tân Phú
No comments:
Post a Comment