Trò Kiss Cam (hôn trộm người lạ) với một số clip xuất hiện trên mạng đã khiến cư dân mạng vô cùng “hoang mang”. Một số ít ủng hộ, phần đa phê phán và “ném đá”. Nhiều người cho rằng, trò chơi này không phù hợp với văn hóa và thuần phong mỹ tục của người Việt.
Khóc cả đêm vì phải nhận “gạch, đá”
Kiss Cam bắt nguồn từ trò First Kiss đang làm mưa, làm gió từ mạng ảo đến đời sống thực ở nhiều nước. Trào lưu này lúc mới xuất hiện đã được nhiều người đón nhận vì ghi lại những cảm xúc chân thật của các cặp đôi không quen biết, gặp lần đầu và trao cho nhau những nụ hôn ngọt ngào. Với mong muốn truyền đi thông điệp nhân văn về tình yêu không biên giới giữa con người với con người, First Kiss đã truyền tải đến người xem cảm hứng sống mới, giúp họ vượt qua nhiều rào cản xã hội để tìm đến tình yêu đích thực của đời mình.
Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam, trò Kiss Cam lại khiến nhiều người sợ hơn là thích vì nó không còn đơn thuần là nụ hôn của những người cảm mến nhau trong lần đầu gặp mà như hành động “cưỡng hôn” những người lạ ở mọi bối cảnh, không gian. Nhiều “nạn nhân”, thậm chí không hề biết đây là trò gì và có người đã phản ứng rất kịch liệt vì nghĩ đó là những vụ “dàn cảnh” để cướp tài sản đang xảy ra ở nhiều thành phố.
Bà Tưng "cưỡng hôn" trai lạ.
Mở đầu cho trào lưu này ở Việt Nam là clip “bà Tưng” diện một bộ đồ gợi cảm tiến đến 10 chàng trai trên phố để “cưỡng hôn”. Clip này ngay sau đó nhận không biết bao nhiêu “gạch đá” từ cư dân mạng khiến “bà Tưng” phải hạ clip trên trang cá nhân xuống và có lời xin lỗi thống thiết.
Sau “bà Tưng”, với mong muốn cộng đồng mạng Việt Nam có cái nhìn đúng hơn về Kiss Cam, đạo diễn Đoàn Ngọc Minh và một nhóm bạn trẻ ở TPHCM đã dàn dựng thực hiện một clip dài 5 phút do 6 bạn trẻ đóng vai nhân vật chính đi “cưỡng hôn”. Mặc dù đạo diễn trẻ này đã giải thích đây là clip dàn dựng nhưng ngay sau khi xuất hiện trên mạng, clip này cũng chịu chung số phận với clip của “bà Tưng” trước đó.
Đạo diễn trẻ Đoàn Ngọc Minh chia sẻ, sau khi clip tung lên mạng, có một số người ủng hộ nhắn tin cho anh đề nghị làm thêm clip thứ hai, thứ ba… nhưng cũng không ít người chỉ trích thậm tệ. Nhóm thấy mình có một phần lỗi vì đã không có sự tuyên truyền rõ ràng cho mọi người hiểu khi tung clip này lên mạng.
“Thực ra, khi đang làm MV kỷ niệm tình yêu của bạn Đỗ Khánh Vân và Hoàng Giang (hai thành viên trong nhóm) thì mọi người nảy ra ý tưởng làmclip về Kiss Cam để mở đầu cho trào lưu này tại Việt Nam. Nghĩ là làm, nhóm đã lên kịch bản, phân chia công việc và làm công tác tư tưởng với nhân vật để quay. Tuy nhiên, kết quả đã không như mong đợi. Tôi nghĩ có thể trào lưu này chưa thực sự được nhiều người đón nhận vì nó quá mới mẻ và táo bạo so với cách sống của chúng ta. Nhóm chúng tôi sẽ cân nhắc hơn cho những sản phẩm ra mắt công chúng sau này”, Đoàn Ngọc Minh nói.
Thành viên Đỗ Khánh Vân trong nhóm Kiss Cam cũng thừa nhận là đã rất buồn, thậm chí khóc cả đêm khi đọc những phản ứng của cư dân mạng. Nhưng các bạn cũng đã nhận ra rằng, sự phản ứng đúng cũng có lý vì Việt Nam không phải là phương Tây, mọi người chưa thể chấp nhận được lối sống phóng khoáng như vậy. “Mình tiếp thu tất cả các ý kiến và xem đây là bài học lớn để rút kinh nghiệm cho bản thân”, Khánh Vân buồn bã nói.
Sao Việt phản ứng
Chia sẻ những cảm nhận của mình về trò Kiss Cam, ca sĩ Giang Hồng Ngọc cho rằng, nếu tạo điều kiện cho chị làm nhân vật chính chị cũng không dám làm. “Tôi thấy trò này cứ buồn cười kiểu gì đó, Tây không ra Tây, ta không ra ta. Có thể do tôi đầu óc cổ hủ và định kiến quá chăng. Nhưng nếu cho tôi cùng tham gia, tôi sẽ xin từ chối vì tôi sợ người ta đánh lắm. Nếu fan của tôi định tham gia trò chơi này, tôi sẽ khuyên họ nên suy nghĩ kỹ xem nó mang lại lợi ích gì thiết thực cho bản thân hoặc có phù hợp với văn hóa ở nước mình hay không”, ca sĩ Giang Hồng Ngọc tâm sự.
Cũng có thái độ phản ứng tương tự Giang Hồng Ngọc, ca sĩ Văn Mai Hương cho biết, cô từng xem một số clip về Kiss Cam của nước ngoài, thấy vui vui vì người ta thực hiện rất văn minh nhưng khi mang trò này về Việt Nam thì lại không thực tế. Xem clip do các bạn trẻ Việt Nam thực hiện, Văn Mai Hương thấy không vui lắm vì các bạn toàn chọn những đôi đang yêu nhau để “cưỡng hôn”. Nếu là nạn nhân bị “cưỡng hôn”, Á quân Vietnam Idol 2014 chắc chắn sẽ đánh người dám “cưỡng hôn” mình một trận “tơi bời hoa lá”. “Tôi không ủng hộ trào lưu này vì nó không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Thêm nữa, tôi thấy rất mất vệ sinh. Tôi nghĩ, mọi người không nên tham gia chơi vì chẳng may mắc các bệnh lây qua đường răng miệng thì rất nguy hiểm”, giọng ca “Chậm lại một phút” chia sẻ.
Nhóm bạn trẻ thực hiện clip Kiss Cam bị cư dân mạng “ném đá” dữ dội. Ảnh: TL
Trong suy nghĩ của MC Phan Anh thì dù Kiss Cam là một trò vui của vài bạn trẻ nhưng với riêng anh, anh cảm thấy hơi mất vệ sinh cá nhân, có thể dẫn đến việc lan truyền virus. Trên khía cạnh quyền tự do cá nhân, anh sẽ cảm thấy có sự xâm phạm vì cá nhân anh khá dị ứng với các hành động đụng chạm thân thể khi không được phép. “Trên khía cạnh tình cảm, nụ hôn đối với tôi khá thiêng liêng. Tôi không thích lấy đó ra để làm một trò vui. Tuy nhiên, nếu gặp một cô gái nào có hành động tương tự, tôi nghĩ mình cũng gửi tặng lại một nụ cười”, MC Phan Anh hài hước.
Trái với nhiều ý kiến “ném đá” trào lưu này và các bạn trẻ thực hiện clip về Kiss Cam, MC Trịnh Lê Anh bày tỏ ý kiến khá nhẹ nhàng. Theo MC kiêm giảng viên này: “Nếu là một người khái tính và không thích sự đụng chạm bất ngờ, gần như “no meaning” (vô nghĩa) và lại hơi nhạy cảm về mặt văn hoá (người Việt vốn hay ngại thể hiện chuyện hôn trước công chúng) thì tôi nghĩ là bạn cũng có quyền phản đối. Và nếu bạn nhận lại sự phản đối ấy bằng những nụ cười thì có lẽ bạn cũng nên coi vấn đề nhẹ nhàng đi chút cho “đời nó tươi”. Tôi vốn tiếng là ông thầy giáo khó tính (không tin cứ hỏi sinh viên của tôi) nhưng nếu sinh viên của tôi thực hiện điều này, yên tâm là tôi sẽ chỉ mỉm cười thôi”.
Không nên để kẻ xấu lợi dụng Kiss Cam làm bậy
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, việc hôn nhau ngoài phố theo trào lưu thực sự chưa phù hợp với văn hóa người Việt. Một phần, chúng ta vốn xem sự tiếp xúc đặc biệt biểu hiện nụ hôn là một điều thiêng liêng. Vì thế, nụ hôn cũng có văn hoá và giá trị riêng của nó chứ không phải trao gửi bừa bãi.
“Đừng nghĩ sự copy nguyên bản nghĩa là ta đã hiểu về điều đó. Thứ nữa, cũng cần nhìn nhận về cảm xúc và những ràng buộc về văn hóa, luật pháp, quy chuẩn đạo đức… để tránh trường hợp hành động quá thô thiển hay phạm luật. Xét dước góc độ tích cực, nếu nụ hôn xã giao là hành động văn minh và đáng trân trọng thì việc áp dụng trào lưu này không quá đáng. Đây cũng là hành vi giao lưu và thân tình. Nhưng tiêu cực đã trỗi dậy và ưu thế hóa khi hành động này được vận dụng không tương thích... Bạn nghĩ sao nếu nhiều người lợi dụng trào lưu này để dàn cảnh cướp của giết người. Bạn nghĩ sao nếu những con yêu râu xanh đội lột người chơi trào lưu này để có ý đồ xấu… Sẽ rất khó kiểm soát khi môi trường sống và văn hoá của chúng ta không giống phương Tây”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ thêm, Kiss Cam cũng đem đến cho mỗi người một bài học là đừng quá giản đơn mọi thứ mà cân nhắc mọi thứ bằng lý trí. Đừng quá vô tư copy hay vận dụng một cách hời hợt những trào lưu bị kẹp giữa những giá trị nhân văn và giải trí cũng như văn hóa đặc thù. Chính những đặc trưng văn hóa người Việt cho thấy, việc áp dụng hành vi này trong xã hội có phần thô thiển và thiếu cân nhắc.
Cộng đồng mạng đón nhận nhanh những vấn đề thời sự nhưng đừng quá dễ dãi. Xu hướng tìm cảm giác lạ sẽ tồn tại cho một số ít người sống hời hợt, ăn theo chứ không phải cho tất cả. Vì thế, cần trả lại trò chơi này cho những nhóm phù hợp và một số đối tượng hay một số quốc gia. Đó là hành vi trả lại giá trị của trò chơi.Khánh Toàn
Hà Tùng Long/Báo Gia đình & Xã hội
No comments:
Post a Comment